“Bà nghị đắp đê” và kỷ niệm 2 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu

Đã hơn 50 năm, trong ký ức của người anh hùng Phạm Thị Vách vẫn còn nguyên những kỷ niệm sâu sắc khi 3 lần được gặp người Cha vĩ đại của dân tộc.

Mới tròn 17 tuổi, cô gái Phạm Thị Vách (sinh năm 1940, tại xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên) đã nổi tiếng trong các phong trào thủy lợi “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “nghiêng đồng đổ nước ra sông” trên đại công trường Bắc Hưng Hải - bản tình ca châu thổ lừng lẫy một thời xây dựng xã hội chủ nghĩa những năm 60 thế kỉ trước.

Mới 18 tuổi, bà Vách là kiện tướng thủy lợi .Đến 22 tuổi, bà được phong Anh hùng lao động, và hai năm sau trở thành đại biểu Quốc hội liên tiếp ba khóa III, IV, V. Tự hào hơn, “nữ Sơn Tinh” Phạm Thị Vách đã vinh dự hai lần được nhận Huy hiệu Bác Hồ được nhiều người dân Hưng Yên gọi là “bà nghị đắp đê”.


Cô thôn nữ Phạm Thị Vách (bên phải) trên công trường Bắc Hưng Hải 1958.

Tuổi đã ngoài thất thập nhưng nữ anh hùng Phạm Thị Vách vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, vẫn tinh anh phụ giúp con dâu bán hàng ngay tại nhà ở thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động).

Nhớ lại chuyện 50 năm trước, người đàn bà nhỏ nhắn đưa tay vuốt hai khóe miệng thắm đỏ quết trầu, khoe hàm răng hạt na đen nhánh.

Bà bồi hồi chia sẻ: "Trong quá trình công tác tôi được gặp Bác Hồ hơn 20 lần. Lần nào tôi cũng rưng rưng nhưng có lẽ trong 2 lần được Bác tặng huy hiệu là tôi xúc động nhất".

Cuối năm 1958, khi về thăm đại công trường Bắc Hưng Hải, Bác Hồ nghe chuyện cô kiện tướng thủy lợi, đã gửi huy hiệu nhờ bí thư tỉnh ủy Hưng Yên tặng lại cho Vách...

Chỉ hơn một năm sau, năm 1960, Bác lại về thăm Hưng Yên và đích thân Người trao huy hiệu lần hai của mình cho Vách.

“Tôi không thể nào quên được ngày hôm đó. Bác về Hưng Yên (khi đó luôn dẫn đầu miền Bắc về làm thủy lợi) dự Hội nghị tổng kết công tác thủy lợi toàn miền Bắc.

Khi Bác gọi lên trao huy hiệu, tôi không tin vào tai mình, chân không bước được vì run. Lúc đó, đồng chí Lê Quý Quỳnh (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên) phải dắt tôi lên. Cảm xúc vinh dự, vui sướng không sao tả hết được. Lần này được trực tiếp tay Bác trao. Thật là một vinh dự lớn lao. Nó như một bước ngoặt trong cuộc đời tôi”.

“Từ đó tôi luôn nhủ với lòng mình phải cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao”- Bà Vách nói.

Năm 1962, bà vinh dự được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 3 Tại Hà Nội. Tại đại hội này bà được tặng huy hiệu "Anh hùng lao động nông nghiệp" và Huân chương lao động hạng nhất và là một trong 9 nữ thanh niên của đại hội, được đến gặp Bác tại Phủ Chủ tịch nước. Bà kể: “Bác ân cần hướng dẫn chúng tôi bóc kẹo ăn, Bác nói vui :Các cháu nữ ăn nhanh rồi bỏ vào túi không nam giới ăn hết”.


Phạm Thị Vách (nữ thứ 2 từ phải sang) được gặp Bác Hồ tại Đại hội chiến sĩ anh hùng thi đua tháng 5/1962.

Sau đó, trong các dịp công tác trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, lễ kỷ niệm của đất nước hay dự các sự kiện chính trị của đất nước, quốc tế bà đều được gặp Bác, lần nào Bác cũng hỏi thăm công việc và đời sống của “bé Vách”.

Bà tâm sự: Mải mê với công việc, tôi chưa có ý định lập gia đình riêng. Song một lần Bác hỏi tôi: "Cháu bao nhiêu tuổi rồi?" Tôi trả lời: "Thưa Bác, cháu 27 tuổi". Bác lại hỏi: “Cháu xây dựng gia đình chưa?”.Tôi trả lời “Cháu chờ Bắc - Nam thống nhất”. Bác nói ngay: “Cháu không được thế, vì các cháu là gái, việc gì ra việc ấy, không phải chờ Bắc - Nam thống nhất.”

Trải qua rất nhiều vị trí công tác ở xã cũng như ở huyện sau này, bà luôn nhớ từng lời dạy của Bác: “Đã học tập tốt rồi thì phải học tập tốt hơn. Gần gũi quần chúng để học tập mà làm”. Lời dạy ấy trở thành định hướng, quan điểm soi rọi vào nếp nghĩ nếp làm của bà trong suốt quãng thời gian công tác.

Theo lời Bác, cô thôn nữ Phạm Thị Vách quyết đi học thêm. Học bổ túc cấp III xong, cô được bầu giữ chức chủ nhiệm HTX, rồi chủ tịch xã, bí thư đảng ủy xã khi tuổi mới chỉ ngoài đôi mươi.

Từ năm 1977 đến năm 1989 trước khi về hưu, bà Phạm Thị Vách đã trải qua các chức vụ là uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ Kim Động, Trưởng ban Kiểm tra Huyện uỷ; Chủ tịch Hội Nông dân tập thể huyện; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ; Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kim Động...

"Ở cương vị nào, tôi cũng lấy lời dạy của Bác để làm tròn trách nhiệm của mình" - Bà Vách nói.

Related

tin nong trong ngay 7260631206324247794

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Bài đăng phổ biến

item