Nóng Biển Đông, Phương Tây "đua nhau" giới thiệu vũ khí tới Việt Nam
https://baotintucnhanh.blogspot.com/2015/06/nong-bien-ong-phuong-tay-ua-nhau-gioi.html
Bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia khác như Nga, Pháp, Anh,… cũng đang cố gắng giới thiệu các thiết bị quân sự cho Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong buổi lễ chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Hà Nội hôm 1/6 vừa qua.
Đông Nam Á đang trở thành một thị trường lớn của các công ty quốc phòng Mỹ. Các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan sẵn sàng chi hàng tỷ USD để nâng cấp và mở rộng hệ thống phòng thủ. Nhiều chuyên gia nhận định, việc mua sắm vũ khí này thể hiện sự lo lắng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các công ty quốc phòng Mỹ cũng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Giám đốc phụ trách các vấn đề về Việt Nam trong Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-ASEAN, ông Anthony Nelson cho biết trong nhiều thập kỷ qua, các nước Đông Nam Á đã dần xây dựng hệ thống phòng thủ, nhưng gần đây, tốc độ trở nên đáng kinh ngạc.
"Các quốc gia này có thể sẽ chi 40 tỷ USD để mua sắm quốc phòng trong năm nay. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với vài năm trước đây. Chúng tôi đang chờ đợi con số sẽ tăng lên 50 tỷ USD vào năm 2020”, ông Nelson nói.
Lyle Goldstein, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Chiến tranh Hải quân (US Naval War College), cho biết tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á đang trở nên căng thẳng, đặc biệt là những lo ngại về việc Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
"Có rất nhiều vấn đề tồn tại. Chúng ta thấy các nước chi rất nhiều tiền để mua các thiết bị cao cấp như máy bay, tàu ngầm,… Rõ ràng, việc này có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông”, ông Goldstein nói.
Các công ty quốc phòng Mỹ muốn tận dụng thời cơ để bán thiết bị quân sự cho những khách hàng tiềm năng này. Một khách hàng tương đối mới là Việt Nam.
Gần đây, chính quyền Obama đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí bán cho Việt Nam. Tháng 4/2015, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội thảo giữa các quan chức Việt Nam và các công ty quốc phòng Mỹ.
Tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam
Tuy nhiên, ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác như Nga, Pháp, Anh,… cũng đang cố gắng giới thiệu các thiết bị quân sự cho Việt Nam.
Ông Anthony Nelson nói rằng Nga từ lâu đã là một nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam, và đã bán cho Việt Nam 6 tàu ngầm Kilo. “Mỹ không thể cạnh tranh về tàu ngầm, nhưng sẽ là nhà cung cấp tiềm năng trong các lĩnh vực như hệ thống radar tiên tiến và các thiết bị cảm biến”, ông Nelson nói thêm.
Chính quyền Obama hiện đang tập trung vào các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và cố gắng củng cố mối quan hệ với các nước này.
Trong chuyến thăm Việt Nam chính thức hôm 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhắc lại kế hoạch Washington cam kết viện trợ 18 triệu USD giúp Cảnh sát biển Việt Nam mua tàu tuần tra đưa ra từ hồi 2014. Ông cũng tuyên bố sẽ tài trợ một khoản tiền mua tàu tuần tra cao tốc vỏ nhôm lớp Metal Shark Defiant 75 cung cấp cho Việt Nam.
Tuần trước, Phó chủ tịch công ty Metal Shark, ông Greg Lambrecht nói với The Advocate rằng công ty dự kiến sẽ bắt tay vào đóng các tàu tuần tra cho Việt Nam từ tháng 7 tới.
Nguồn: tintuc.vn