Ngày đầu xử phạt người đi bộ ở Hà Nội: Còn nhiều bất cập
Trong ngày đầu tiên xử phạt người đi bộ ở Hà Nội, nhiều người vi phạm tỏ ra ngỡ ngàng và bất ngờ. Lực lượng CSGT thì cho biết còn khó khăn trong việc xử phạt.
- Quy định nhiệm vụ, quyền hạn mới của CSGT: “Không có gì là lạm quyền”
- Miền Bắc mưa rét, miền Nam nắng ấm dịp Tết
- Thiệt hại hàng chục tỷ trong vụ cháy gara ôtô ở Sài Gòn
Sáng nay (1/2), Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67, Công an TP Hà Nội) đã ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông như đi không đúng làn đường, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường…
Theo ghi nhận của PV, đã có 2 trường hợp đầu tiên bị xử phạt. Bên cạnh đó nhiều người bị nhắc nhở xong hầu hết người vi phạm đều ngỡ ngàng, còn lực lượng CSGT kêu khó.
Nhiều người vi phạm tỏ ra ngỡ ngàng khi bị xử phạt.
Người vi phạm ngỡ ngàng, cảnh sát kêu khó
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Đội CSGT số 1 cho biết: Buổi sáng nay, lực lượng đã phạt tiền 2 trường hợp đi sang đường không đúng nơi quy định.
Trường hợp bị xử phạt đầu tiên theo ghi nhận, là anh Đỗ Văn Quỳnh (SN 1986, Hưng Yên) sang đường không đúng nơi quy định và bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt 70.000 đồng. Anh Quỳnh chia sẻ: “Tôi không biết đến quy định đi bộ sang đường sai quy định bị xử phạt. Do vậy, khi bị lực lượng chức năng thông báo lỗi, yêu cầu nộp phạt, tôi khá bất ngờ. Đây là lần đầu tiên tôi bị xử phạt vì lỗi này”.
Anh Tại Việt Dũng (quê ở Hà Tĩnh) đang công tác ở Hà Nội -một trong nhiều người đi bộ sai quy định bị lực lượng CSGT nhắc nhở cho biết: “Tôi thấy việc xử phạt hành chính đối với những người đi bộ sai quy định là điều cần thiết. Người đi bộ sai quy định không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn nhiều người tham gia giao thông, đặc biệt người người điều khiển xe máy”.
Trường hợp đi bộ sai quy định đầu tiên bị lập biên bản xử phạt.
Anh Dũng cũng cho biết: “Do sơ suất và vội đến cơ quan để đi làm nên tôi mới đi bộ sai quy. Bị lực lượng CSGT nhắc nhở mà không xử phạt hành chính, tôi thấy rất vui. Tuy nhiên, chắc từ giờ tôi không bao giờ đi bộ sai quy định”.
Tại khu vực Hồ Gươm có lưu lượng người đi bộ khá, trong đó có nhiều người nước ngoài. Theo quan sát, đa phần du khách chấp hành quy định, đi bộ đúng làn đường, tuân thủ đèn tín hiệu. Nhiều du khách nước ngoài còn tỏ ra khá rụt rè khi băng qua đường dù chấp hành rất nghiêm chỉnh đèn tín hiệu, làn vạch dành cho người đi bộ.
Một số chiến sĩ CSGT tiến hành xử phạt hành chính và nhắc nhở người đi bộ sai quy định cho biết, xử lý người đi bộ sai quy định là rất khó, nhưng quy định đã đặt ra thì chúng tôi phải tiến hành xử lý, để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho mọi người trên địa bàn Thủ đô.
Lãnh đạo Đội CSGT số 1 cũng cho biết, việc xử phạt là tương đối khó khi người dân không mang theo tiền hay giấy tờ.
“Chúng tôi chủ yếu chỉ nhắc nhở, việc xử phạt này còn khó khăn do người dân không mang theo tiền trên người” – Đại diện Đội CSGT số 1 thông tin với PV.
Khó khả thi
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư HN) cho hay, đi bộ cũng là một hoạt động tham gia giao thông nên cần tuân thủ luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn của mình và của người khác.
Theo Luật sư Cường, Điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
Luật sư Đặng Văn Cường.
Người đi bộ chỉ được qua đường những nơi có đèn tín hiệu, có vạch sơn kẻ đường, có cầu vượt, hầm danh cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
Như vậy, nếu người tham gia giao thông là người đi bộ không chấp hành quy định nêu trên thì cũng có thể bị xử lý bằng những chế tài nhất định để duy trì trật tự xã hội, đảm bảo cho các quy định pháp luật phải được thực thi.
Vì vậy, việc xử lý người đi bộ tham gia giao thông có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc xử lý người đi bộ vi phạm giao thông sẽ có nhiều bất cập, khó khăn cho người thực hiện nhiệm vụ.
“Thực tế, ý thức của người tham gia giao thông hiện nay chưa cao nên hành vi vi phạm xảy ra rất nhiều. Chưa kể, ví dụ như các trường hợp người có biểu hiện tâm thần, trẻ em, người không mang theo giấy tờ tùy thân…
Với những người tâm thần, có biểu hiện tâm thần lang thang ngoài đường, theo quy định pháp luật thì phải giám định, thăm khám thì mới có thể kết luận là họ tâm thần.
Như vậy là phải thực hiện các thủ tục tạm giữ, cho đi khám, giám định… điều đó nếu thực hiện được thì phải tuân thủ cả một quy trình phức tạp.
Nếu xử lý triệt để, đúng quy định pháp luật thì phải cần một lực lượng rất đông đảo mới có thể lập lại trật tự kỷ cương về an toàn giao thông đường bộ.
Nếu không có giấy tờ tùy thân mà lại thực hiện thủ tục giữ người để kiểm tra, chờ đợi… thì lại càng phức tạp.
Vì vậy, các quy định này sẽ chỉ được áp dụng phần nào trên thực tế. Việc áp dụng triệt để, xử lý nghiêm minh phải có thời gian và trong những điều kiện nhất định”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Còn luật sư Lê Thiệp (Hà Nội) cũng nêu rõ thực trạng đang diễn ra rất phổ biến hiện nay là vỉa hè, lòng đường ở nhiều tuyến phố đều đang bị biến thành nơi kinh doanh, buôn bán, để xe tràn lan. Điều này dẫn đến việc người đi bộ muốn đi đúng cũng khó.
“Trách nhiệm bảo đảm đường thông hè thoáng là của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền cơ sở, người dân không biết hay buộc phải dọn đường cho mình.
Như vậy nếu ở những tuyến đường phố mà tình trạng kinh doanh, buôn bán… làm mất hết vỉa hè đi bộ khiến người đi bộ đi sai rồi bị mời về đồn sẽ gây nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người.
Tôi cũng thấy, thực tế, liệu mời người vi phạm về đồn cảnh sát vì đi bộ sai có thỏa đáng khi Hiến pháp quy định quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Chưa kể, với người vô gia cư ăn còn chả đủ, lấy đâu tiền nộp phạt?
Việc phạt người đi bộ sai nếu giúp hạn chế tai nạn giao thông là rất tốt, nhưng như trên tôi đã nêu thì nó sẽ khó có khả thi”, luật sư Thiệp nêu.
Hãy xử lý vi phạm vỉa hè trước khi xử người đi bộ
Trao đổi về vấn đề này, giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông, cũng là người có nhiều năm nghiên cứu về giao thông Hà Nội cho rằng: Muốn xử phạt người đi bộ, điều trước tiên Hà Nội cần giải quyết là trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.
“Tôi ủng hộ việc xử phạt người đi bộ tại những nút giao thông, sang đường khi chưa có đèn xanh để tạo ra quy củ. Tuy nhiên, hiện nay vỉa hè giành cho người đi bộ bị chiếm dụng hết vậy người ta không đi xuống lòng đường thì đi vào đâu?” – GS Hoàng Chương nói.
Lấy ví dụ cụ thể, GS Hoàng Chương cho biết ngay trên các phố cổ tình trạng chiếm dụng vỉa hè cũng rất nhức nhối. “Vỉa hè là giành cho người đi bộ, nhưng ở Hà Nội vỉa hè hầu như bị chiếm làm hàng quán, làm bãi trông xe, người đi bộ lấy đâu ra chỗ để đi đúng luật?” – GS Chương nói thêm. Từ những điều trên, giáo sư Hoàng Chương đưa ra nhận định, Hà Nội cần giải quyết tốt vấn đề vỉa hè trước khi xử phạt người đi bộ.
Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm của người đi bộ như sau: Phạt tiền từ 50.000 – 60.000 đồng nếu đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 60.000 – 80.000 đồng nếu mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; Đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc.
Theo skcd.com.vn
The post Ngày đầu xử phạt người đi bộ ở Hà Nội: Còn nhiều bất cập appeared first on Tin Mới Nhanh.
from Tin Mới Nhanh http://ift.tt/1KS2yW4
via IFTTT