Bóng đá - Thứ tôn giáo “máu & tiền”

Ăn, ngủ và có thể… chết vì bóng đá. Con người dường như đang mê muội với thứ tôn giáo đầy quyến rũ này.

Tiền…

Khi Arsenal gặp Liverpool, trận đấu giữa “tứ đại gia” tại Premier League, hiển nhiên đó là trận cầu đinh tại xứ sở sương mù. Ngay cả khi sa cơ lỡ vận, họ vẫn là những cái tên đầy lôi cuốn mỗi khi đối đầu với nhau. Nhưng thật lạ khi cuối tuần qua cổ động viên của hai đội bóng lại sẵn sàng không thèm xem 10 phút đầu tiên của trận đấu diễn ra ở vòng 31 Premier League. Một góc khán đài sân Emirates trống vắng khán giả, còn một góc khác người hâm mộ im lặng và như thể đang chuẩn bị 1 phút tưởng niệm sự kiện đau buồn nào đó.

Có lẽ rất hiếm khi cổ động viên của Arsenal và Liverpool lại cùng đồng lòng bỏ phí đi 10 phút bóng lăn của trận đấu mà họ đã chờ đợi từ rất lâu. Họ đứng ở ngoài sân Emirates để giương cao tấm băng rôn phản đối giá vé được cho là “cắt cổ” với người hâm mộ. Trận đấu giữa Arsenal và Liverpool diễn ra vào lúc 12h45 giờ London có giá vé bình dân nhất là 64 bảng và hứa hẹn sẽ còn cao hơn nữa trong tương lai. Khi ban tổ chức Premier League công bố hợp đồng kếch sù về bản quyền truyền hình trị giá 5,14 tỷ bảng, tất cả những ai yêu bóng đá ở xứ sở sương mù hiểu rằng họ sẽ phải móc hầu bao nhiều hơn để xem một trận đấu của những đội bóng lớn.


Cổ động viên Arsenal và Liverpool biểu tình phản đối giá vé
Đúng là khi yêu thì người ta không đong đếm được hay mất, nhưng trót yêu một “đại gia” Premier League thì đồng nghĩa với việc người đó phải chi nhiều tiền hơn.

Vậy nên có thể hiểu vì sao các cổ động viên của Arsenal và Liverpool đã không giương những biểu ngữ cổ vũ hai đội bóng ở sân Emirates, mà là lời phản đối về giá vé. Họ muốn gửi tới thông điệp đấu tranh rằng người hâm mộ là linh hồn của bóng đá. Và khi bóng đá đã trở nên thương mại hóa, thì việc những nhà làm bóng đá sẵn sàng từ bỏ linh hồn của mình vì những đồng tiền, chẳng khác nào sẽ giết chết bóng đá.

Nhưng có một con số thực sự mâu thuẫn với những gì mà các cổ động viên của Arsenal và Liverpool đã làm trước trận đấu này. Sân Emirates lập kỷ lục có số lượng khán giả đông nhất từ đầu mùa giải với 60.081 người có mặt trên sân. Không phải là khi Arsenal gặp Manchester United hay Chelsea, mà là gặp Liverpool ở thời điểm cả hai đội bóng đang trong cuộc cạnh tranh suất dự Champions League mùa tới.

Tin tuc the thao - Giá vé đắt đến mức nào, sân Emirates vẫn chật kín khán giả
Rõ ràng khi đã trót “yêu” thì đắt mấy người ta cũng cố gắng để duy trì tình yêu ấy. Đó có lẽ là điểm yếu mà những nhà điều hành giải đấu lớn nhất hành tinh có thể tận dụng để kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa.

Và dù có phản đối giá vé đến thế nào, chắc hẳn những người hâm mộ của Arsenal nói riêng cũng hài lòng với những gì thầy trò HLV Arsene Wenger đã thể hiện trên sân. Với 4 siêu phẩm vào lưới Liverpool, Pháo thủ đang thẳng tiến tới mục tiêu giành vé dự Champions League. Vậy nên có phải bỏ ra hơn 64 bảng chăng nữa, những ai yêu Pháo thủ liệu có tiếc nuối?

… Và máu

Cuối tuần qua, 5 giải đấu hàng đầu châu Âu trở lại sau loạt trận giao hữu quốc tế và vòng loại Euro 2016, nhưng tâm điểm lại là sự kiện đội bóng Fenerbahce bị tấn công. Xe chở thành viên ban huấn luyện và các cầu thủ Fenerbahce đã bị nã đạn khi đang trên đường ra sân bay sau chiến thắng đậm đà 5-1 trước Caykur Rizespor. Thật may mắn là viên đạn phá nát tấm kính ở đầu xe chỉ gây thương tích cho người tài xế, nhưng sẽ là thảm họa nếu con người dũng cảm ấy không bình tĩnh xử lý để dừng hẳn chiếc xe, trước khi được đưa vào bệnh viện.

The thao - Hai CĐV của Leeds United bị sát hại tại Istanbul năm 2000
Trong những ngày mà ở Thổ Nhĩ Kỳ còn đang tưởng niệm vụ hai cổ động viên của Leeds United bị sát hại trước trận bán kết lượt đi UEFA Cup gặp Galatasaray năm 2000, thì vụ tấn công đội bóng Fenerbahce thực sự đã gây rúng động bóng đá thế giới. Môn thể thao tưởng như đưa con người xích lại gần nhau, hóa ra lại có thể gây nên sự thù hằn và trỗi dậy bản năng thú tính. Cảnh sát đã tìm thấy khẩu súng trường tự chế ở gần nơi xảy ra vụ tấn công và rõ ràng có kẻ nào đó muốn bắn tài xế để gián tiếp ám hại cả đội bóng Fenerbahce.
Chưa có dấu hiệu của vụ khủng bố, nhưng đã có bằng chứng cho thấy một cổ động viên của đội chủ nhà Caykur Rizespor vì thất bại 1-5 trước Fenerbahce nên đã đang tâm thực hiện vụ tấn công đội khách. Nếu điều đó được xác thực, thì đúng là bóng đá không còn là môn thể thao để kết nối người với người, mà là cuộc chiến một mất một còn thực sự.

Xe chở đội bóng Fenerbahce bị tấn công bằng vũ trang
Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải tạm hoãn vô thời hạn để giải quyết vụ việc này, hoặc chí ít tới khi tìm được thủ phạm. Nhưng đây tiếp tục là một vết nhơ khó gột rửa và chẳng ai dám chắc những đội bóng khác có sẵn sàng đặt chân tới quốc gia này để thi đấu. Người ta vẫn nói về những sân bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác nào những “chảo lửa” bởi sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả. Dù vậy “cuồng” đến mức sẵn sàng ám sát cả đội bóng đối thủ thì chẳng khác nào những kẻ khủng bố máu lạnh.

Nhưng tất nhiên, bóng đá sẽ không bao giờ chết. Vì nó là thứ tôn giáo vô hình mà hầu như cả thế giới đều sùng bái. Người ta sẽ chẳng bao giờ bỏ đi tôn giáo của mình ngay cả khi nó khiến họ mất đi rất nhiều tiền và cả máu.

Nguồn: tintuc.vn

Related

tin the thao 4965914526327863211

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Bài đăng phổ biến

item