Những điều chưa biết về lực lượng tinh nhuệ nhất QĐND Việt Nam

Nếu đặc công là lực lượng tinh nhuệ nhất của QĐND VN thì đặc công nước là lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ”.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lực lượng đặc công nước đã làm những kỳ tích trong chiến đấu khiến nhiều kẻ thù phải khiếp sợ thốt lên: Đặc công nước là “nắm đấm thép” là “lực lượng có thể uy hiếp trực tiếp tới chúng ta”!

 

Đặc công nước - "Nắm đấm thép" của QĐND Việt Nam.

Trong tình hình hiện nay, đặc công nước thực sự trở thành “một bức tường thành vững chắc” chặn đứng những âm mưu tiến công đất nước từ phía biển.Tintuc.vn sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả những điều chưa được biết về lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này.

Phần 1: “Ông tổ” của đặc công nước là ai?

Là đất nước có hàng ngàn cây số bờ biển với hệ thống sông ngòi dày đặc, người dân Đại Việt đã biết dựa vào ngư nghiệp để mưu sinh. Khi có giặc xâm lăng, người dân Đại Việt vốn tinh nhuệ với lối đánh “thủy công” nhiều lần làm cho giặc phương Bắc kinh hồn bạt vía.

Kỳ 1:Từ cậu bé mồ côi trở thành “Trần triều đệ nhất đô soái”

Về huyện Gia Lộc, cách thị trấn khoảng 3 km về phía tây, đi qua những cánh đồng lúa đang trổ bông đón gió, ta sẽ đến Đền Quát, tại Hạ Bì (vốn là một làng chài ở tả ngạn sông Đáy), nơi thờ Yết Kiêu, một danh tướng tài đức song toàn, đặc biệt là tài thuỷ chiến trời Trần.

Danh tự Yết Kiêu vốn không phải là tên thật của ông mà do Hưng Đạo đại vương – Trần Quốc Tuấn đặt cho. Nhưng có một điều mà chưa ai biết một trong ngũ hổ tướng của Hưng Đạo đại vương (Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, Dã Tượng và ông) thì Yết Kiêu vốn mồ côi cha từ nhỏ và xuất thân bần hàn nơi thôn dã.

Truyền kỳ trong đêm sương trắng

Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (sinh năm 1242) quê ở ấp Hạ Bì, huyện Gia Phúc (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Lên 8 tuổi, cậu bé Thế đã mồ côi cha nên phải cùng mẹ tên là Vũ Nương lặn lội mưu sinh. Nhà giáp sông Đò Đáy, Thế sáng chiều cào hến, đánh dậm, chài lưới quen dần với cuộc sống sông nước lênh đênh. 
Năm 15 tuổi, vào một buổi sáng tinh mơ, cậu bé Thế ra sông gánh nước. Sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông. Thế thấy hai con trâu: một đen một trắng húc nhau chí mạng. Con trâu đen đang yếu sức, sắp thua nhưng có món đánh sừng rất hiểm. Con trâu trắng phi phàm, húc khỏe nhưng ra đòn nhởn nhơ.

Vốn có sức khỏe vật được trâu, Hữu Thế hạ đôi thùng gánh nước, dùng đòn ống vụt vài miếng thượng hạ, ý đuổi đánh, can ngăn “chiến loạn”. Con trâu đen dính đòn chạy lao vào làng. Trâu trắng né đòn như người, một cú xiên rất hiểm làm trâu trắng ngã lăn và kỳ lạ thay tan thành ánh nắng mờ ảo rồi biến mất.


Cậu bé mồ côi Phạm Hữu Thế vốn lặn lội với dòng Đò Đáy để mưu sinh. Ảnh minh họa.

Chỗ đất trâu đứng tìm thấy hai chiếc lông. Cầm lên ngắm, tự nhiên Hữu Thế thấy máu bừng lên mặt. Ông chạy ra ao, lao xuống nước, nước rẽ đôi, lên bờ thấy lông không ướt, có lẽ nó cũng muốn tan trong nắng. Hữu Thế vội nuốt vào bụng. Từ đó thân thể cường tráng, trí lực phi thường, bơi lội dưới nước như đi trên đất bằng .

Đêm ấy về nhà, Thế kể với mẹ. Vũ Nương bảo đó là chuyện đại cát. Hai mẹ con đều mơ một giấc mơ hệt nhau: Hai mẹ con được đón một đôi trai thanh gái lịch, họ vào nhà Vũ Nương, vách đất, nền đất biến thành lâu đài.

Cái ao dào dạt sóng vỗ thành con sông dài tít tắp. Trời không trăng vẫn rực sáng. Ở gốc xoan, một con trâu trắng thừng xuyên mũi buộc chặt gốc cây. Hữu Thế dụi mắt bảo mẹ: “Đúng con trâu sáng con gặp đây”.

Người con trai và cô gái bảo: “Ta là Ngưu Lang và Chức Nữ, nay dịp Ngâu chúng ta gặp nhau, không chăn trâu cho trời được, phải buộc mũi không nó đi khắp bầu trời biết đâu mà tìm”. 
Vũ Nương hỏi: “Chúng tôi ở đâu?”. Ngưu Lang bảo: “Lúc sáng tôi đi tìm trâu gặp con trai bà, con bà không làm hại trâu. Tôi muốn mời hai mẹ con bà lên trời chơi để trả ơn. Đây là đào tiên vườn Tây Vương Mẫu, tôi biếu bà một giỏ.

Còn con trai bà sau này sẽ được lưu danh trong quốc sử vì có nhiều công lao giúp nước”. Hữu Thế tò mò hỏi: “Sông gì sáng thế?”. Người con trai bảo : “Cậu sẽ nổi danh vì sông nước mà không biết sông này ư!”.

Nói rồi người con trai vỗ tay cho con sông cuộn sóng cao ngất: “Đó là sông Ngân Hà. Ta sẽ còn bảo trâu thần, cày thần xuống giúp đất Bàng Hà sau vài bốn trăm năm nữa”. Chợt trên sông Ngân rợp tiếng quạ kêu. Chúng vừa bay đầy trời vừa đan kết thành cây cầu Ô Thước. Ngưu Lang nhẹ nhàng bảo Chức Nữ: “Thôi ta về”.

Cô gái mỉm cười đi theo, đằng sau là con trâu trắng. Thế là tan giấc mộng.

Sáng ra, mẹ con Thế kể cho mọi người nghe, xóm làng đều cho là lạ.Sự lạ lùng ấy ứng với bức hoành phi trong đền Quát “Thiên cổ dị nhân” (ngàn đời mới có người lạ thường như vậy).

Thực ra, đây là một cách lý giải tài bơi lội của Phạm Hữu Thế để làm tăng thêm tính phi thường của viên tướng xứ Đông này, khẳng định tài bơi lội của ông như do thần linh mang lại.

Tòng quân, phục quốc

Năm 1258, nước Đại Việt bị giặc Mông Cổ phía Bắc lăm le xâm lược, nghe tiếng loa truyền tìm người ra giúp nước, Phạm Hữu Thế quyết định lên đường tòng quân. Ông được tuyển vào thủy quân của nhà Trần.

Cũng trong năm ấy, triều đình mở nhiều hội thi để chọn người tài, trong đó đấu vật được xem là cuộc thi quan trọng nhất để chọn người tài theo cạnh Trần Hưng Đạo.

Tương truyền trong cuộc thi đấu vật, những ai tham gia đấu vật với Đô Châu, gia nhân đấu vật giỏi của Trần Ích Tắc đều mất mạng. Thấy thế, Yết Kiêu liền xông vào ứng đấu. Thay vì quật ngã Đô Trâu, ông nhấc bổng hắn lên, sau đó làm cho hắn ngã ngửa bụng lên trời.

Sau khi thắng, Yết Kiêu tha chết cho Đô Châu. Cảm phục tấm lòng của Yết Kiêu, Đô Châu quỳ lạy người trẻ tài cao. Thế nên, trong đền Quát hiện nay có linh vật ông Phỗng Đá đang quỳ lạy. Sau cuộc vật, Yết Kiêu được Trần Hưng Đạo cho làm gia nô và dần trở thành danh tướng thủy quân tài giỏi.


Năm 1285, giặc Mông Cổ chính thức đổ bộ sang xâm lược nước ta. Nhà Trần dùng kế sách sơ tán bỏ nhà không để đánh lừa giặc. Trong kế hoạch đó, Yết Kiêu được Trần Hưng Đạo cử đi bảo vệ hai vua Trần cùng đoàn thuyền rồng hoàng tộc, sơ tán về Nam Định bằng đường sông.

Trên đường đi gặp gió to, sóng lớn nước sông chảy xiết làm đoàn thuyền rồng bị chao đảo như muốn chìm xuống lòng sông. Để tìm hiểu nguyên nhân, Yết Kiêu liền lặn xuống đáy sông.

Sau khi biết do con Giảo Long quậy phá, ông liền tâu vua xin được giết Giảo Long trừ hại cho dân. Giết xong Giảo Long, ông xách đầu nó lên tâu vua, từ đó vua giữ ông làm trọng thần trong triều...

Có được tài năng bơi lội thiên phú cộng với sự lòng trung quân ái quốc, một mình Yết Kiêu tả xung, hữu đột trong lòng sông biển, đục thuyền giặc lập kỳ công. Mời bạn đọc xem tiếp "Kỳ 2: Đánh đắm hàng trăm tàu giặc và từ hôn công chúa nước Nguyên" vào 9h sáng 23/5 trên Tintuc.vn.

Nguồn: tintuc.vn

Related

tin nong trong ngay 8441741033927566638

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Bài đăng phổ biến

item