Sân patin làng: Trượt… rồi “choảng” nhau!

“Đập chết nó đi!”. Sau những câu chửi thề tục tĩu là màn rượt đuổi “kịch tính và hồi hộp” như phim hành động của hàng chục thanh niên trên một sân trượt patin.

Cuộc rượt đuổi náo loạn xóm làng vào lúc quá nửa đêm và chỉ dừng lại khi công an có mặt. Tuy nhiên, một thanh niên tên Trần Văn H. bị chém đứt gân tay và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Từ khi một loạt các sân patin được mở, ở các làng quê vốn yên bình ở Lý Nhân, Hà Nam không còn nữa mà thay vào đó là những cuộc tụ tập từ sang đến đêm và sau đó là rượt đuổi chém giết làm tan nát xóm làng.

Trượt patin mới là… sành điệu?

Mới 6h sáng, tại một sân patin rộng khoảng 150m2 ở xóm 6 (Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam) đã “tụ” hơn 30 thanh niên chờ đến lượt mình “lượn” vào sân trượt. Trên nền sân xi măng vừa được lát còn lồi lõm là hơn 20 thanh niên khác đang cố bám riết lấy mặt sân vừa nhảy múa vừa… chửi nhau.

Phải 15' nữa mới hết giờ trượt của nhóm trước nhưng những thanh niên ngồi ngoài không kiên nhẫn được nữa, họ ầm ầm đòi ông chủ sân phải cho vào trượt chung cho vui.


Hàng chục sân patin ở Lý Nhân, Hà Nam mọc lên trong vài năm nay.

Ngăn không được đám thanh niên quá khích, ông chủ đành mở cửa cho họ vào. Cảnh tượng sân trượt patin như một cái chợ nháo nhào và hỗn loạn. Mặt sân liên tục là những cú ngã sóng xoài đổ máu do mặt sân quá nhỏ và có tiêu chuẩn kiểu ...sân phơi lúa! 

Ngay sau đó, va chạm của hai nhóm thanh niên chỉ thiếu chút nữa là lao vào nhau ẩu đả nếu ông chủ sân tên M., vốn là một thầy giáo THCS Nhân Hậu can thiệp bằng cách dọa đóng cửa sân vĩnh viễn.

Tại một sân khác cách đó không xa, ông chủ Trần Văn T., cũng đang toát mồ hôi khi tìm cách phân chia sân cho 3, 4 nhóm trượt khác nhau.

“Đã bảo mỗi nhóm chỉ trượt trong một giờ còn để cho nhóm khác nữa. Đăng ký 3g liền thì đánh nhau chết à?”. “Nhưng bọn này đến và đặt trước cơ mà. Đây! Tiền sân bọn này đặt luôn đến chiều nhá”.

Hai nhóm thanh niên khác cũng không chịu kém cạnh, trưng tiền ra cho ông chủ T. đề chiếm sân bằng được.

Không biết phân xử thế nào cho phải, ông chủ T. đành chia đôi sân bằng chiếc dây nilon căng ngang chia đôi sân với giao kèo: “Của bên nào bên ấy trượt. Cấm không bên nào lấn sang bên nào. Mỗi nhóm trượt 2h rồi nhường lại cho nhóm khác. Đứa nào lộn xộn gây sự là tao đuổi tất”.

Không còn cách nào khác, mấy nhóm thanh niên gật đầu đồng ý. Chỉ tội chiếc sân bé tí 200m2, lại chia đôi khiến mấy chàng trai cô gái trượt patin mà như trẻ con chơi lò cò, dìu nhau thành hàng uốn éo như lên đồng. Một cảnh tượng như lễ hội Haloween bất đắc dĩ.

Hết giờ trượt, hai nhóm thanh niên vẫn nán lại chung tiền mua một ca trà đá nhâm nhi để chờ tiếp ca sau. “Ông không biết chơi trò này à. Thế thì xoàng lắm! Ở đây dân chơi mà không biết trượt patin là loại “gà”, biết trượt patin mới là sành điệu!”- một thanh niên vừa thít lại chiếc dây giày vừa phán.

Bỏ việc, trộm tiền nhà để trượt patin

Chỉ chưa đầy 5 tháng (từ tháng 1 đến tháng 5/2015), đã có 5 sân patin được mở ra ở Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam. Trào lưu trượt patin ở ngôi làng nhỏ bắt đầu khi vài ba thanh niên sang TP Nam Định ngay kế bên để chơi thử rồi về nhà trượt ở sân nhà mình.

Thấy có nhu cầu, một người đã bỏ tiền để đôn sân nhà mình thành sân patin. Không có tiền để đầu tư, hầu hết các sân patin đều chỉ rải qua vài lớp xi măng trên nền đất lởm chởm cát đá. Ngay chiếc sân trượt của ông chủ Trần Văn T. vốn là sân đóng gạch được cải tạo qua loa cho “thành hình” thế là trở thành sân patin.

Đầu tiên, sân patin chỉ thu 10.000 đ/giờ/người. “Giờ đông khách, tăng lên 20.000 đ/giờ mà vẫn không có đủ chỗ cho bọn trẻ trượt”- ông chủ T. phân bua.

Đã đi trượt patin thì phải có giày trượt. Nhưng giá một đôi giày patin không hề rẻ (thấp nhất cũng phải 300.000 đ/đôi) khiến nhiều thanh niên làng méo mặt “xoay” tiền.

Chị Trần Thị Lý, xóm 7 (Hòa Hậu) có đứa con học lớp 10 bảo: “Chẳng biết nó học đâu cái món trượt patin. Hàng chục ngày nay nó vòi vĩnh bằng được 500.000 đ để mua giày trượt. Không cho, nó dọa bỏ học. Đến khi mua được cho nó (hơn 1 tuần- NV), nhà trường đưa giấy về nhà mời phụ huynh lên vì đã bỏ học 5 ngày. Thì ra nó bỏ học đi trượt patin”.

Cận cảnh một sân patin làng ở Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam bị đình chỉ vì đánh nhau.

Nhiều ông bố, bà mẹ khác của Hòa Hậu cũng méo mặt vì con trộm tiền mua giày và trả tiền sân patin. Mới đây, khi gia đình anh Trần Văn H. (xóm 9, Hòa Hậu) đang ngủ trưa thì hai cậu con anh lén rủ nhau lấy chìa khóa mở tủ trộm của bố mẹ 2 triệu đồng.

“Vặn hỏi mãi thì chúng nó khai lấy tiền đi mua giày patin và trả nợ tiền vay bạn bè vào sân trượt. Cấm cửa nhốt cả hai anh em nó trong nhà hai ngày nhưng cả chúng nó lại tìm cách phá khóa để lên sân patin”- anh H. bực bội kể.

Không chỉ bỏ học, nhiều thanh niên khác của Hòa Hậu còn bỏ làm đi trượt patin. Số thanh niên bỏ việc nhiều đến nỗi các chủ doanh nghiệp của làng nghề dệt truyền thống phải nhờ UBND xã Hòa Hậu tìm cách cấm tiệt hoặc hạn chế giờ hoạt động cả các sân patin để đảm bảo giờ làm.

Không phép, trái luật vẫn khó cấm

Theo CA xã Hòa Hậu, việc các sân patin mở ra ào ạt tại địa phương đã làm cho tình hình an ninh trật tự địa phương thêm phức tạp. Ông Trần Huy Tân, Phó trưởng CA xã cho biết nhiều vụ đánh nhau, lộn xộn và mất cắp liên quan đến sân trượt patin liên tục xảy ra gần đây.

CA huyện Lý Nhân cũng đã phải bắt khẩn cấp hai thanh niên chém người gây thương tích nghiêm trọng tại sân trượt patin.

“Chỉ duy nhất có một sân patin được Sở Văn hóa Thể Thao &Du lịch tỉnh Hà Nam cấp phép hoạt động còn các sân khác đều không có giấy phép. UBND và CA xã đã nhiều lần thanh kiểm tra và cấm nhưng những sân này vẫn lén lút hoạt động” – ông Tân cho biết. 

Nhiều vụ án hình sự đã xảy ra tại các sân patin làng.

Nhiều người dân xã Hòa Hậu cũng lo lắng vì có sân patin con em họ bỏ học, bỏ làm để đi chơi kiến nghị lên xã nhiều lần. Nhiều người dân khác cạnh sân patin cũng bức xúc.

“Chúng nó nháo nhào từ sáng đến đêm. Đánh chửi cãi cọ nhau ầm ĩ xóm làng không thể nào chịu được”- Bác Trần Huy Định cạnh sân trượt của ông chủ T. than. Mới đây, Phòng Văn hóa huyện Lý Nhân đã cử nhiều đoàn xuống kiểm tra việc hoạt động các sân trượt patin và ra quyết định dừng hoạt động của hai sân trượt nhưng nhiều sân khác vẫn mọc lên để…chờ cấp phép.

Không những thế, tại một loạt các xã khác tại huyện Lý Nhân như Nhân Thịnh, Tiến Thắng, Chân Lý… nhiều sân trượt patin khác cũng thi nhau mọc lên.

Nguồn: tintuc.vn

Related

tin nong trong ngay 7518394118042825542

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Bài đăng phổ biến

item